Từ xa xưa, Lân là một linh vật thường được đặt tại nơi tôn nghiêm ở các đền đài, lăng tẩm vua chúa, ở các đình chùa. Do vậy, các điệu múa lân đều thể hiện sức mạnh, sự oai phong lẫm liệt, người múa lân phải giỏi võ, có thể lực tốt, sức dẻo dai để có thể biểu diễn được nhiều động tác khó và trong thời gian dài.
Lân (hay Kỳ Lân) là một trong bốn linh vật cao quý: Long, Lân, Quy, Phụng. Lân thường được khắc họa là một con vật có sừng của loài nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử và miệng rất rộng, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Cũng có nơi thì họ khắc họa con vật này dưới hình dáng mình của một con hoẵng, có vảy cá trải dài khắp thân….Nhưng cho dù có xuất hiện với hình dạng như thế nào đi nữa thì trong tín ngưỡng dân gian phương Đông, Kỳ Lân cũng là một con vật báo hiệu điềm lành sắp đến, là biểu tượng cho sự nguy nga, tráng lệ, sự trường thọ và niềm hạnh phúc, an lành, may mắn.